12 Tháng mười hai, 2023

Khoa học về hạnh phúc – Làm sao để hài lòng với những điều nhỏ bé?

1. Danh hiệu “Người phụ nữ của năm”

Người phụ nữ của năm là một danh hiệu mà tạp chí Glamour tổ chức bình chọn hàng năm. Trong buổi lễ trao giải Những người phụ nữ của năm 2023 tổ chức ngày 7 tháng 11 vừa qua, những phụ nữ xinh đẹp, tài năng và nổi tiếng lần lượt được gọi tên và vinh danh, họ là những diễn viên, ca sĩ, nhà hoạt động xã hội…có sức ảnh hưởng lớn và cống hiến cho lĩnh vực của mình (Glamour, 2023). Tất cả chìm đắm trong hạnh phúc lâng lâng, rượu vang, ánh đèn flash và vô số lời khen ngợi từ đám đông.

Nhưng chẳng có “giải thưởng” nào cho số đông phụ nữ trong xã hội, những người hàng ngày vẫn cần mẫn làm tròn vai trò của mình: một nữ nhân viên công sở bình thường, một người mẹ đơn thân, một người vợ nội trợ…Nếu được hỏi về thành tựu, về tiếng tăm hay sức ảnh hưởng, họ cũng sẽ bối rối khi chẳng có gì mấy để phô trương. Dù giống như những người nổi tiếng trên Glamour, bản thân họ cũng xứng đáng được ghi nhận và cảm thấy hạnh phúc với chính mình, với những điều nhỏ bé và ý nghĩa mình đang làm. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để hạnh phúc khi ta chả có thành tựu hay “giải thưởng” nào cả?

2. Những quan niệm sai lầm về hạnh phúc:

Các giả định nếu – thì

Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn khi nghĩ về hạnh phúc là gì? Thường là khi ta có được một điều gì đó, khi điều ta mong đợi xảy ra? Chúng ta thường có những giả định về hạnh phúc – tôi sẽ hạnh phúc khi x, y và z xảy ra: khi tôi kết hôn tôi sẽ hạnh phúc, khi tôi giàu có tôi sẽ hạnh phúc, khi tôi có con, khi tôi được tăng lương…

Sonja Lyubomirsky – giáo sư tâm lý học tại Đại học California và tác giả của cuốn Mật mã của Hạnh phúc (The Myths of Happiness) qua những nghiên cứu của mình đã đưa ra nhận định: đúng, những sự kiện đó sẽ làm chúng ta hạnh phúc nhưng oái oăm thay, hạnh phúc đó không đến mức như ta kỳ vọng và cũng chẳng kéo dài lâu như ta nghĩ. Hay nói cách khác, giả định về hạnh phúc của chúng ta thường là sai bét.

Những thứ tưởng chừng sẽ làm ta hạnh phúc hơn

Trong khóa học Khoa học về Hạnh phúc (The Science of Well-being) trên Coursera của mình, Giáo sư Laurie Santos – Đại học Yale dành phần đầu để bản về những thứ tưởng chừng sẽ làm ta hạnh phúc nhưng không hẳn vậy: tiền, tình yêu đích thực và cơ thể hoàn hảo.

Santos cho rằng: “Xã hội chúng ta khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn bằng cách tập trung vào những thứ mà theo khoa học chúng ta biết rõ rằng không quan trọng bằng hạnh phúc”. Khi còn nhỏ, nhiều người trong chúng ta được dạy phải ưu tiên việc học ở trường và thành tích học tập. Khi chúng ta lớn lên, sự ưu tiên chuyển sang công việc và việc cố gắng được tăng lương, thăng chức hoặc các mục tiêu nghề nghiệp khác. Giả định là chúng ta sẽ hạnh phúc hơn trong tương lai tưởng tượng nơi chúng ta có nhiều tiền hơn hoặc chức danh danh giá hơn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, điều đó hóa ra lại không đúng.

Tiền mua được hạnh phúc, nhưng chỉ đến một mức nhất định

Trong nghiên cứu diện rộng về mối liên hệ giữa thu nhập và sự hạnh phúc ở nhiều khu vực khác nhau, Jebb và cộng sự (2018) đã kết luận rằng: thu nhập đóng vai trò quan trọng đối với sự hạnh phúc của một người nếu họ sống ở mức thu nhập thấp. Nhưng với một người có mức thu nhập trung bình (ở Mỹ là 75,000USD/năm), việc có nhiều tiền hơn, ngạc nhiên thay, lại không mấy tỉ lệ thuận với sự hài lòng trong cuộc sống của họ. Hay nói cách khác, chúng ta cần có tiền để đủ sống, nhưng sau đó việc có thêm nhiều tiền không khiến ta hạnh phúc hơn.

Thậm chí, nghiên cứu này cũng cho thấy một khi đã đạt đến ngưỡng này, thu nhập càng tăng cao có xu hướng đi kèm với việc giảm sự hài lòng trong cuộc sống và mức độ hạnh phúc. Điều này có thể do sau khi đạt được điểm tối ưu về nhu cầu, con người bị thúc đẩy bởi những ham muốn theo đuổi nhiều lợi ích vật chất hơn và tham gia vào các cuộc đua vị thế xã hội và trớ trêu thay, điều này có thể làm giảm mức độ hạnh phúc.

Những điều tuyệt vời khác: vật chất, tình yêu và cơ thể hoàn hảo

Chúng ta thường điền những điều này vào vế trước của giả định nếu – thì: nếu tôi có…thì tôi sẽ hạnh phúc. Kết quả từ một loạt các nghiên cứu của Nickerson (2003), Lucas (2003), Jackson (2014) và Von Soest (2011) lại cho thấy rằng, việc có được những thứ mình muốn, kết hôn với người mình yêu, giảm cân và thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ…không làm một người hạnh phúc hơn. Thậm chí, trong một số nghiên cứu, sự hài lòng trong cuộc sống giảm đi vì sự kỳ vọng nếu tôi có được thứ này đáng lẽ ra tôi phải thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn.

Vậy đâu mới là điều làm cho một người hạnh phúc, và rốt cuộc, hạnh phúc thật chất là gì?

3. Hạnh phúc là gì và làm thế nào để có được nó?

Hạnh phúc khác với niềm vui

Trong tiếng Anh, well-being (hạnh phúc) và happiness (niềm vui) là hai từ được dùng thay thế cho nhau nhưng có sự khác biệt về ý nghĩa. Khái niệm well-being được định nghĩa bao gồm nhiều yếu tố: những trải nghiệm cảm xúc tích cực như hạnh phúc, hài lòng, sự phát triển tiềm năng của một người, khả năng kiểm soát được cuộc sống, ý thức về mục đích cuộc đời và trải nghiệm tích cực trong các mối quan hệ (Huppert, 2009). Trong khi đó, niềm vui (happiness) là một phần quan trọng, nhưng không phải là tất cả yếu tố của hạnh phúc.

Những điều giúp phụ nữ hạnh phúc hơn

Những thứ như tiền bạc, tình yêu và sắc đẹp không phải là con đường dẫn đến hạnh phúc, vậy thì điều gì sẽ là câu trả lời? Đáp án nằm ở việc quay về chính bản thân mình, những điều nhỏ bé có sẵn bên trong có thể giúp phụ nữ hạnh phúc hơn. 

Chăm sóc bản thân: thể thao, nghỉ ngơi…

Việc quay trở về chăm sóc bản thân tưởng chừng rất đơn giản và ai cũng biết, nhưng không phải là điều đầu tiên được nhớ đến: sau một ngày căng thẳng vì deadline, bạn sẽ ngồi hàng giờ trước tivi hay tiếp tục cày việc đến khuya, thay vì cho phép mình thư giãn.

Trong một nghiên cứu năm 2016 của Hershfield và cộng sự, hơn 2/3 người tham gia muốn có nhiều tiền hơn là thời gian nghỉ ngơi. Nhưng những người chọn thời gian thay vì tiền lại được đánh giá hạnh phúc hơn hẳn nhóm đầu.  

Việc dành thời gian tập luyện thể thao cũng có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần của một người: một nghiên cứu về trầm cảm cho thấy 90% nhóm có tập thể dục đã hồi phục hoàn toàn so với 50% ở nhóm chỉ dùng thuốc, chỉ với ba bài tập 30 phút mỗi tuần.

Lòng biết ơn

“Không phải hạnh phúc khiến chúng ta biết ơn mà chính lòng biết ơn khiến chúng ta hạnh phúc”. Brené Brown – Giáo sư nghiên cứu Đại học Houston thấy rằng cách hiệu quả nhất để nuôi dưỡng niềm vui trong cuộc sống là thực hành lòng biết ơn. Từ khóa ở đây là thực hành. Đó không chỉ là cảm giác biết ơn mà còn là phát triển một phương pháp thực hành có thể quan sát được.

Trải nghiệm lòng biết ơn sẽ kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine – giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ và serotonin – giúp điều hòa tâm trạng của chúng ta. Nó cũng khiến não giải phóng oxytocin, một loại hormone tạo ra cảm giác như sự tin tưởng và rộng lượng, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và cảm giác được kết nối. Lòng biết ơn cũng giúp một người kết nối với cảm xúc của chính mình.

Biết ơn ở đây không chỉ là với người khác hay những gì xảy đến với mình, mà còn là lòng biết ơn với bản thân, điều mà phụ nữ thường dễ bỏ qua dù chúng ta dễ thể hiện sự biết ơn hơn so với nam giới (Kashdan, 2009). Lòng biết ơn đối bản thân, đơn giản là việc cám ơn chính mình vì một điều dễ chịu: vì một bữa sáng ngon mình nấu, vì đã hoàn thành một việc hôm nay, hay đơn giản là vì đã dành thời gian để thư giãn khi căng thẳng…Lòng biết ơn giúp phụ nữ nhận ra nhiều hơn về vẻ đẹp nội tâm, tài năng, thành tích của mình và cách chúng ta có thể sử dụng những điều này để cống hiến cho người khác và thế giới.

Lòng trắc ẩn

Lòng trắc ẩn và lòng tốt nói chung giúp phụ nữ cảm thấy hạnh phúc, có giá trị và ý nghĩa trong cuộc sống khi có thể giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, để cảm thấy thực sự hạnh phúc với bản thân, phụ nữ còn cần đến lòng trắc ẩn với bản thân: việc đối xử tốt, trân trọng và chấp nhận chính bản thân mình.

Trước đây, người ta thường đề cao sự tự tin (self-esteem) và cách một người đánh giá về việc liệu minh có đủ tốt bằng cách: làm việc chăm chỉ hơn, mạnh mẽ hơn, kiên trì hơn. Christopher Germer, Tiến sĩ, giảng viên tâm thần học tại Trường Y Harvard cho rằng những điều này vẫn gắn với sự xác nhận bên ngoài – những lời khen, một “danh hiệu” nào đó (như là Người phụ nữ của năm của Glamour)…và vì vậy nó rất mong manh.

Thay vào đó, lòng trắc ẩn với bản thân (self-compassion) lòng trắc ẩn với bản thân, bao gồm việc thể hiện sự tử tế với bản thân khi gặp khó khăn, thất bại hoặc nhận thấy điều gì đó mà mình không yêu thích ở bản thân (Kristin Neff, 2023). Bằng cách quan tâm và bày tỏ sự quan tâm đến bản thân trong thời điểm khó khăn, một người có thể kiên trì và tạo ra sự thay đổi để hạnh phúc hơn. Điều này có thể đặc biệt khó khăn vì chúng ta thường đặt ra những tiêu chuẩn và mục tiêu rất cao cho bản thân, nhưng lòng trắc ẩn với bản thân là chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và trân trọng những gì chúng ta có.

Mỗi người phụ nữ đều có những thành tựu riêng của chính mình, dù lớn hay nhỏ, dủ được khen ngợi hay không thì chúng ta vẫn có thể tự mình nâng niu và khen ngợi chính mình – Người phụ nữ của năm.

 

Tài liệu tham khảo:

Babyak, M. A., Blumenthal, J. A., Herman, S., Khatri, P., Doraiswamy, M., Moore, K. A., Craighead, W. E., Baldewicz, T., & Krishnan, K. R. R. (2000). Exercise treatment for major Depression: Maintenance of therapeutic benefit at 10 months. Psychosomatic Medicine, 62(5), 633–638. https://doi.org/10.1097/00006842-200009000-00006

Debunking the myths of happiness. (n.d.). Greater Good. https://greatergood.berkeley.edu/article/item/sonja_lyubomirsky_on_the_myths_of_happiness

Field, B. (2021, May 17). How gratitude makes you happier. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/how-gratitude-makes-you-happier-5114446

Glamour. (2023, November 8). All the Epic Moments From Glamour’s 2023 Women of the Year Awards. Glamour. https://www.glamour.com/story/glamour-women-of-the-year-2023-moments

Green, R. (2023, May 5). Dr. Laurie Santos Is Teaching Us How to Become Happier. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/the-happiness-lab-host-dr-laurie-santos-7377176

Hershfield, H. E., Mogilner, C., & Barnea, U. (2016). People who choose time over money are happier. Social Psychological and Personality Science, 7(7), 697–706. https://doi.org/10.1177/1948550616649239

Huppert, F. A. (2009). Psychological Well‐being: Evidence Regarding its Causes and Consequences†. Applied Psychology: Health and Well-Being, 1(2), 137–164. https://doi.org/10.1111/j.1758-0854.2009.01008.x

Jackson, S. E., Steptoe, A., Beeken, R. J., Kivimäki, M., & Wardle, J. (2014). Psychological Changes following Weight Loss in Overweight and Obese Adults: A Prospective Cohort Study. PLOS ONE, 9(8), e104552. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0104552

Jebb, A. T., Tay, L., Diener, E., & Oishi, S. (2018). Happiness, income satiation and turning points around the world. Nature Human Behaviour, 2(1), 33–38. https://doi.org/10.1038/s41562-017-0277-0

Kashdan, T. B., Mishra, A., Breen, W. E., & Froh, J. J. (2009). Gender Differences in gratitude: examining appraisals, narratives, the willingness to express emotions, and changes in psychological needs. Journal of Personality, 77(3), 691–730. https://doi.org/10.1111/j.1467-6494.2009.00562.x

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to Top