Sáng nay tôi rán trứng cho chồng, tối nay tôi đọc sách cùng con.
Con gái tôi vừa đạt giải nhất môn Văn, con trai tôi đã bắt đầu biết nói. Chồng tôi vừa được thăng chức.
Tôi – một người có thể huyên thuyên về chồng, về con về cha mẹ và cả những thành viên khác trong gia đình hàng giờ đồng hồ liên mà không chán.
Tôi, tự hào khi “chồng tốt”, “con ngoan” và mái ấm gia đình được gìn giữ.
Tôi, hạnh phúc khi có thể hy sinh tất cả mọi thứ để gia đình hạnh phúc dù đó là chính mình.
Quen dần với điều đó, tôi dần cảm thấy việc “chồng tốt, con ngoan” chính là thước đo giá trị của chính mình.
Định nghĩa “phụ nữ tốt” không biết từ khi nào đã trở thành một “hình mẫu” trong tôi. Chỉ khi mọi điều trong gia đình đều ổn và nằm trong sự kiểm soát của mình, tôi mới cảm thấy mình đã làm tốt. Tôi cảm thấy mình là một người phụ nữ có giá trị. Đôi khi, ngoài việc đó, tôi không biết phải làm gì hơn.
Tôi hạnh phúc nhưng tôi cũng chơi vơi và … kiệt sức.
Đôi khi tôi… thấy mình đã chết.
Có một lần, tôi bất ngờ được hỏi sau khi vừa khoe khoang về thành tích học tập của con mình rất lâu rằng:
“Ngoài chồng và con cái ra, thì chị thích làm gì khi rảnh?”
“Tôi không biết.”
Tôi buột miệng trả lời rồi sững sờ như vừa bị đánh vào đầu.
Bỗng, trong một chốc, tôi thấy như mình đã chết. Tôi dần nhận ra mỗi lần được hỏi chỉ riêng bản thân mình mà không có chồng hoặc con thì câu trả lời của tôi đều là “tôi không biết.” Tôi thấy chơi vơi trong việc đơn giản nhất. Là chính mình.
Mặc dù tôi có thể tốn hàng giờ đồng hồ để kể về số lần đạt huy chương của con ở trường hay số lần chồng đi công tác. Tôi thấy đau đớn khi TV phát sóng bản tin bình đẳng giới và người phụ nữ cần biết chăm sóc bản thân mình trong khi tôi đang tắm rửa một cách nhanh chóng với chiếc cửa mở để kịp vội chạy ra dỗ con khi con khóc.
Thế nhưng bằng cách này hay cách khác, hết lòng vì chồng, vì con vẫn là “hình mẫu” mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải hướng đến. Nếu không sẽ trở nên “vô giá trị”. Tôi cũng không biết xã hội có đang khắc nghiệt với chúng tôi quá hay không. Nhưng trước hết, tôi vẫn chưa thể ngừng “khắc nghiệt” với chính mình. Với tuyên ngôn: “hy sinh là tất cả” tôi thiếu sự quan tâm, chăm sóc bản thân, để rồi… đánh mất chính mình.
Sau cùng, tôi cũng không khác biệt gì các bạn – những người phụ nữ. Tôi một người bình thường với nhiều mâu thuẫn về vai trò, trách nhiệm của một người vợ, người mẹ và một người phụ nữ. Tôi, quên mình để xây “chúng mình”.
_____________________________
Chương trình thuộc chuỗi hoạt động cộng đồng của Dự án Chăm sóc sức khỏe Tâm thần cho những người phụ nữ trong gia đình | Tâm Nhung Social Enterprise