Sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đã luôn được ca ngợi như một đức tính cao đẹp và thiêng liêng. Người phụ nữ xuất hiện với nhiều vai trò khác nhau trong xã hội: một người con hiếu thảo, một người vợ đảm đang, một người đồng nghiệp mẫn cán, một người mẹ, một người nội trợ, người giữ lửa cho gia đình,…. Tất cả dường như được mặc định cho người phụ nữ từ khi họ sinh ra đời.
Vậy đức hy sinh này của người phụ nữ được lí giải như thế nào dưới góc nhìn của tâm lý học. Bài viết xin mượn hình ảnh từ bộ phim “Thương ngày nắng về” về chia sẻ về hai hình ảnh đại diện cho hai thế hệ của những người phụ nữ Việt Nam.
Bà Nga là một người phụ nữ tần tảo, cả cuộc đời vất vả lo cho chồng và ba đứa con. Gia đình tuy nghèo nhưng luôn hạnh phúc, rộn ràng tiếng cười. Chồng mất, bà với gánh bún riêu nuôi các con khôn lớn lên người. Lúc nào cũng gắng làm lụng vất vả, chưa bao giờ dám nghĩ đến nghỉ ngơi. Tới khi Vân Khánh đi lấy chồng, bà Nga vẫn hằng ngày qua phụ giúp việc nhà, chăm cháu mặc công việc ở quán bận rộn. Khi bị mẹ chồng của con khinh thường, bà cố nuốt nước mắt vào trong, nhẫn nhịn vì sợ con gái tổn thương, con gái chịu khổ. Mỗi khi con gái cảm thấy bất lực, khó khăn, bà luôn là điểm tựa vững chãi, để giúp các con đứng lên. Bà thường khuyên các con: “Nếu đời này mà dễ dàng, thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc. Mẹ sống được đến bây giờ, thì con gái mẹ nhất định cũng sẽ sống được. Cứ yên tâm. Có mẹ đây rồi…”. Ba chữ “Mẹ đây rồi” như tiếp thêm sức mạnh cho những cô con gái bé bỏng.
Hình ảnh bà Nga được khắc họa trong tâm lý học là một người phụ nữ lớn lên trong giai đoạn người phụ nữ phải bỏ qua mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà niềm vui của họ được đến từ sự hài lòng của chồng con. Theo tháp nhu cầu, bà Nga đề cao nhu cầu được thuộc về như bao người phụ nữ cùng thế hệ. Chính vì vậy, họ luôn tìm cách để đạt được sự công nhận từ gia đình, từ xã hội mà đôi lúc bỏ qua niềm hạnh phúc, nhu cầu riêng cho chính bản thân họ. Lý thuyết về hệ thống chỉ ra rằng lòng trung thành với gia đình cũng chính là yếu tố giữ cho người phụ nữ giống như bà Nga dành mọi sự tập trung chăm lo cho những người thân trong gia đình; cũng vì lòng chung thành với con cái, bà Nga cũng “chín bỏ làm mười” để gia đình của con cái được êm ấm.
Nếu như bà Nga đại diện cho người mẹ, người phụ nữ truyền thống, thì chị cả Vân Khánh lại là đại diện cho người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Cô đã lấy chồng là anh Đức và có 2 người con nhỏ. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân lại không êm đẹp, hạnh phúc khi chồng thì khá hậu đậu, trẻ con và lười nhác. Mỗi ngày, cô phải làm rất nhiều công việc, từ đi làm cho đến con cái, chưa kể phải chịu tính khí ngang ngược của mẹ chồng. Nhưng cô luôn chịu đựng, nhẫn nhịn và cố gắng để chu toàn việc công ty và việc gia đình. Khi được sếp đề bạt trong công việc, cô lại đắn đo suy nghĩ, ai sẽ chăm sóc con gái, gia đình.
Vân Khánh lại là một người phụ nữ được sinh trưởng trong một bối cảnh có phần hiện đại và cởi mở hơn dành cho người phụ nữ. Tuy vậy, cô cũng chịu nhiều sự ảnh hưởng từ gia đình gốc của mình, điều này cũng là minh chứng cho việc chồng của cô – anh Đức lại là một người hậu đậu, trẻ con và lười nhác. Cô đã vô thức đồng nhất bản thân mình với mẹ và lựa chọn người chồng dựa trên hình mẫu của người cha, dù cô có thể cảm thấy lo lắng hoặc không thích cha của mình, nhưng vô thức cô vẫn lựa chọn chung thành với gia đình, lựa chọn hình mẫu người chồng giống với cha mang lại cho cô cảm giác thân quen trong gia đình gốc của mình. Vân Khánh cũng như mẹ – bà Nga, chịu đựng và nhẫn nhịn vì “hình ảnh của gia đình” trong xã hội.
Hai nhân vật trên cũng hiện diện đâu đó trong nhiều hình mẫu gia đình Việt, hai người phụ nữ – hai thế hệ khác nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng bởi sự ảnh hưởng tâm lý di truyền qua các thế hệ. Nhưng nổi bật lên nhất chính là hình ảnh về sự “hy sinh”, dù trong bất kì một xã hội nào, thế hệ nào, người phụ nữ vẫn được “kế thừa” đức tính hy sinh để vì chồng vì con. Và bởi vì lẽ như thế, các ngày tôn vinh cho phụ nữ cũng là một minh chứng cho sự công nhận của xã hội về những gì họ đã chấp nhận để làm hậu phương, chỗ dựa cho một gia đình được vẹn toàn.
Dự án Chăm sóc sức khoẻ Tâm thần cho những người Phụ nữ trong gia đình của Tâm Nhung Social Enterprise
Chị em nếu có bất cứ vấn đề nào bị vướng mắc trong cuộc sống, không biết chia sẻ tâm tư cùng ai thì đừng giữ nó một mình, hãy liên hệ ngay với Tâm Nhung để chia sẻ và nhận sự hỗ trợ nhé!
Hãy đến tham gia các hoạt động cộng đồng dành cho phụ nữ.. nhắn ngay cho Tâm Nhung tại đây: m.me/TamNhungpsy